Giới thiệu về ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học
Cơ hội nghề nghiệp - Vị trí việc làm
- Kỹ thuật viên xét nghiệm y học đa khoa, chuyên khoa tại các bệnh viện các cấp, các cơ sở dịch vụ y tế, các trung tâm y tế dự phòng/kiểm soát bệnh tật.
- Chuyên viên đơn vị chuyên môn kỹ thuật của các cơ quan quản lý dịch tễ xuất nhập cảnh, quản lý chất lượng sản phẩm xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thực phẩm, cơ sở nghiên cứu y học/sinh học.
- Chuyên viên kỹ thuật ở các công ty về thiết bị hóa chất y tế.
CHUẨN ĐẦU RA:
Sau khi tốt nghiệp CTĐT ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, sinh viên (SV) có khả năng:
- Thực hành chuyên môn theo đúng đường lối, chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của quốc gia và quốc tế.
- Hành nghề theo đúng đường lối, chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của ngành y tế và nơi làm việc.
- Trân trọng nghề nghiệp bản thân, tôn trọng và hỗ trợ đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm cá nhân đối với các quyết định đưa ra liên quan đến người bệnh và sức khỏe cộng đồng; có ý thức bảo vệ môi trường và tránh lãng phí các nguồn lực xét nghiệm.
- Tôn trọng, tế nhị, bảo mật thông tin trong hành nghề xét nghiệm từ khi tiếp xúc ban đầu với người bệnh cho đến khi trả và lưu trữ kết quả.
- Tuân thủ Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của quốc gia và quốc tế trong thực hành nghề nghiệp xét nghiệm.
- Giao tiếp, phối hợp với người bệnh, gia đình người bệnh, đồng nghiệp và những người liên quan để nâng cao chất lượng xét nghiệm; tư vấn, giáo dục sức khỏe phù hợp với nhu cầu của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng trong lĩnh vực xét nghiệm.
- Giao tiếp hiệu quả dựa trên các hiểu biết về tâm lý và nhu cầu sử dụng dịch vụ xét nghiệm của cộng đồng; xây dựng và đề xuất kế hoạch để thực hiện, đánh giá kết quả và tư vấn giáo dục sức khỏe;
- Giao tiếp, phối hợp với người bệnh, gia đình người bệnh, đồng nghiệpvà những người liên quan để nâng cao chất lượng xét nghiệm.
- Tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng bệnh và tham gia công tác phòng chống dịch và thảm họa khi có yêu cầu.
- …
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO:
- Triết học Mác- Lênin
Học phần gồm 3 chương, ngoài phần giới thiệu vấn đề chung của triết học, học phần chủ yếu cung cấp những kiến thức cơ bản về Triết học Mác-Lênin: điều kiện ra đời, khái niệm; vật chất và ý thức; các nguyên lý, quy luật, cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật; Lý luận nhận thức; Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội; giai cấp và đấu tranh giai cấp; nhà nước và cách mạng; tồn tại xã hội và ý thức xã hội; con người và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân.
- Kinh tế chính trị Mác- Lênin
Qua nghiên cứu, học tập, SV hiểu rõ những nội dung cơ bản, cốt lõi của Kinh tế chính trị Mác – Lênin trong bối cảnh phát triển kinh tế của đất nước và thế giới ngày nay. Học phần góp phần xây dựng lập trường, ý thức hệ tư tưởng Mác – Lênin cho SV. Trên cơ sở đó, người học biết đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn liên quan đến những vấn đề kinh tế chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và giúp SV xây dựng trách nhiệm xã hội phù hợp với vị trí việc làm và cuộc sống sau khi ra trường.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh là học phần bắt buộc, khối kiến thức đại cương cung cấp những kiến thức cơ bản về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý nghĩa là sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, đồng thời là cơ sở lý luận trực tiếp trong việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam từ 1930 đến nay. Học phần này giúp SV hiểu được một cách tương đối đầy đủ và có hệ thống về bối cảnh lịch sử – xã hội, cơ sở hình thành, phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh; Các nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, Về văn hóa, đạo đức, con người.
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngoài chương nhập môn và kết luận, học phần có 3 chương đề cập đến những tri thức khoa học về đối tượng, mục đích, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu, học tập môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); Lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945-1975); Lãnh đạo cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới (1975-2018); Một số bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, khẳng định những thành công, ưu điểm, nêu lên hạn chế, kinh nghiệm trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
Mục tiêu chung của học phần là cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển Chủ nghĩa xã hội khoa học và những nội dung cốt lõi của lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học. Giúp người học hiểu rõ quá trình hình thành và phát triển của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa, nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tiến trình giải phóng con người và xây dựng xã hội mới tốt đẹp. Đồng thời nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học giúp người học nâng cao năng lực hiểu biết thực tiễn, vận dụng tri thức Chủ nghĩa xã hội khoa học vào hoạt động nghề nghiệp và học tập suốt đời.
- Pháp luật đại cương
Học phần Pháp luật đại cương được thiết kế nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về Nhà nước và Pháp luật. Nội dung cơ bản của học phần bao gồm: Những vấn đề lí luận cơ bản về nhà nước và pháp luật; bộ máy nhà nước; quy phạm pháp luật và quan hệ pháp luật; thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; hệ thống pháp luật, ý thức pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa và pháp luật về phòng chống tham nhũng.
- Anh văn 1
Học phần này được thiết kế tích hợp giữa 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết và các bài tập Ngữ pháp, Từ vựng, Luyện âm. Nội dung học phần được trình bày trong 5 bài học (5 units), mỗi unit gồm các bài học nhỏ (lessons) về các kỹ năng sử dụng từ vựng và nghe hiểu (với các dạng bài tập trắc nghiệm, hoàn thành câu/ sơ đồ/ bảng biểu); kĩ năng đọc hiểu (với các dạng trắc nghiệm, nối thông tin, trả lời ngắn, hoàn thành sơ đồ); kỹ năng thảo luận, trình bày quan điểm cá nhân trong những tình huống cụ thể; kĩ năng viết (với các bài tập ngữ pháp và viết như hoàn thành câu, viết câu, viết đoạn văn ngắn về cá nhân, viết quảng cáo ngắn, viết email ngắn, mô tả một địa điểm ưa thích, viết các chỉ dẫn, hướng dẫn…) ở mức độ bậc 1 trong cấp độ sơ cấp. Sau mỗi bài học, SV được luyện tập, thực hành với các tài liệu cho hình thức học trực tiếp và nguồn tài nguyên thực hành trực tuyến. Học phần này giúp SV có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật, các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. SV có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời thông tin về bản thân như nơi sinh sống, gia đình và bạn bè. SV có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng.
- Anh văn 2
Học phần này được thiết kế tích hợp giữa 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết và các bài tập Ngữ pháp, Từ vựng, Luyện âm. Nội dung học phần được trình bày trong 6 bài học (6 units), mỗi unit gồm các bài học về các kỹ năng sử dụng từ vựng; kĩ năng nghe hiểu (nghe hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản với các dạng bài tập trắc nghiệm, hoàn thành câu/ sơ đồ/ bảng biểu); kĩ năng đọc hiểu (đọc hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản với dạng bài tập trắc nghiệm, nối thông tin, trả lời ngắn); kỹ năng nói (rao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu); kĩ năng viết (với các dạng bài tập ngữ pháp và viết (hoàn thành câu, viết câu, viết đoạn văn ngắn về gia đình, điều kiện sống, ghi chú, email, một tin nhắn cảm ơn, biết cách viết một blog cá nhân về du lịch, tin nhắn qua mạng, bình luận về một số chủ đề: học tập, giải trí, ngoại hình, thời trang…) Sau mỗi bài học, SV được luyện tập, thực hành với các tài liệu cho hình thức học trực tiếp và nguồn tài nguyên thực hành trực tuyến.
- Tin học
Tin học là môn học cơ sở quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y học. Học phần này bao gồm một số vấn đề cơ bản về công nghệ thông tin và máy tính.Soạn thảo văn bản hoàn chỉnh bằng phần mềm Microsoft Word; nhập và xử lý số liệu cùng các bài toán ứng dụng bằng phần mềm Microsoft Excel; thiết kế được các trình diễn bằng phần mềm Microsoft PowerPoint; sử dụng các dịch vụ cơ bản của Internet; Cung cấp kiến thức cơ bản về các phần mềm xử lý thống kê; sử dụng hiệu quả một số phần mềm thường được ứng dụng trong công tác y dược nhằm để thực hiện các thao tác chuyên ngành y dược bằng máy vi tính.
- Tiếng anh chuyên ngành
Học phần Tiếng Anh chuyên ngành cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản về các thuật ngữ chuyên môn cơ bản trong chuyên ngành y, chuyên ngành xét nghiệm y học. Học phần này bao gồm các bài về giải phẫu – sinh hóa – huyết học – các chỉ số xét nghiệm, cách lập và mô tả số liệu xét nghiệm. Mỗi một đơn vị bài học được thiết kế nhằm giúp SV cải thiện được các kỹ năng cơ bản trong ngôn ngữ như nghe – nói – đọc – viết Tiếng Anh liên quan chủ đề công việc trong bệnh viện của kỹ thuật viên xét nghiệm y học và kỹ năng dịch thuật chuyên ngành, làm tóm tắt, viết báo cáo. Sau khi khóa học kết thúc, SV có khả năng hiểu được ý chính và ý chi tiết của các tài liệu về chuyên ngành y học nói chung và trong các lĩnh vực thuộc giải phẫu – xét nghiệm – các chỉ số xét nghiệm, cách lập và mô tả số liệu xét nghiệm nói riêng.
- Sinh học và Di truyền
Sinh học và Di truyền là học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về cấu trúc, chức năng, sự điều hòa hoạt động trong tế bào; tổ chức và hoạt động của nhiễm sắc thể, gen và hệ gen trong cơ chế di truyền và biến dị. Nghiên cứu sự biến đổi di truyền liên quan tới sức khỏe và bệnh tật con người. Trong học phần này SV được cung cấp đầy đủ và có hệ thống về bộ nhiễm sắc thể, bộ gen con người, các quy luật di truyền và bệnh do đột biến ở người từ đó có thể vận dụng để thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và tư vấn di truyền.
- Lý sinh
Học phần Lý sinh được thiết kế nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về các quy luật vật lý để làm sáng tỏ bản chất, cơ chế, động lực của các quá trình sống. Môn học Lý sinh còn nghiên cứu ảnh hưởng và tác động của các tác nhân vật lý lên cơ thể và ứng dụng trong các phương pháp và kỹ thuật y học hiện đại. Nội dung cơ bản của học phần bao gồm: Những nguyên lý nhiệt động học và ứng dụng trong y học, Vận chuyển vật chất trong cơ thể sinh vật, Lý sinh tuần hoàn và Lý sinh hô hấp, Ứng dụng của sóng âm và siêu âm, Các hiện tượng điện trong cơ thể sống, Quang sinh học, Y học phóng xạ và hạt nhân, Bức xạ tia X và ứng dụng, Phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân.
- Hoá học
Học phần này trang bị cho SV trong những kiến thức cơ bản về hoá học, hoá phân tích. Từ những kiến thức cung cấp, người học có thể hiểu được cấu trúc hoá học của các đại phân tử sinh học như: glucid, lipid, protein, acid nucleic, enzyme, vitamin, cũng như mô tả được vai trò sinh lý, quá trình hình thành và chuyển hóa lẫn nhau của các đại phân tử sinh học trong cơ thể con người; kỹ năng thực nghiệm cơ bản về xét nghiệm các chỉ tiêu hóa học bằng phương pháp phân tích hóa học, làm nền tảng cho việc học tốt hơn các môn học chuyên ngành xét nghiệm y học.
- Tâm lý Y học – Y đức
Đào tạo con người Tài – Đức vẹn toàn là nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp “trồng người” của dân tộc. Tâm lý y học y đức là một trong những môn học đảm nhận trọng trách đó. Môn học này nhằm giúp SV nhận thức được đời sống tinh thần phong phú, đa dạng nhưng vô cùng phức tạp của con người.
Trong quá trình làm việc, cán bộ y tế phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau. Quá trình thăm khám, điều trị, xét nghiệm đạt hiệu quả hơn khi cán bộ y tế vững chuyên môn nghiệp vụ và hiểu được tâm lý người bênh.
Đặc biệt, qua môn học, người cán bộ y tế trong tương lai sẽ được trang bị nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, góp phần hoàn thiện nhân cách con người, cũng như đảm bảo an toàn cho bản thân và bệnh nhân trong quá trình làm việc.
- Dịch tễ – Thống kê – Nghiên cứu khoa học
Học phần Dịch tễ – Thống kê – Phương pháp nghiên cứu khoa học giúp SV hiểu được những nguyên lí và phương pháp cơ bản của dịch tễ học, thống kê y học và phương pháp nghiên cứu khoa học, từ đó SV có thể đánh giá thông tin và hiểu được các bằng chứng về dịch tễ học, các kết quả nghiên cứu khoa học. SV cũng được trang bị các kĩ năng cần cho nghiên cứu khoa học để có thể tiến hành các nghiên cứu.
- Giải phẫu
– Lý thuyết:
Trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về những đặc điểm giải phẫu hệ thống các bộ phận và cơ quan trong cơ thể con người; những quy luật phát triển cấu trúc cơ thể trong mối quan hệ với chức năng, với môi trường sống, hoạt động và sự tiến hoá; liên hệ được trên cơ thể sống và áp dụng được những kiến thức về giải phẫu làm nền tảng cho việc tiếp thu và nghiên cứu các môn học khác
– Thực hành:
Sau khi học xong học phần SV có thể mô tả trên tiêu bản mô hình và nhân thể các cấu trúc giải phẫu chính của cơ thể người. Hình thành và rèn luyện tác phong nghiêm túc, thận trọng, chính xác, khoa học trong thực hành tại phòng thực hành và phòng nhân thể.
- Mô học
– Lý thuyết:
Sau khi học xong học phần SV có thể mô tả cấu tạo hình thái vi thể, siêu vi thể của các mô trong các cơ quan trong cơ thể người, từ đó giải thích được mối liên quan giữa cấu tạo và chức năng của các loại mô.
– Thực hành:
SV nhận diện được các loại mô cơ bản trong cơ thể: biểu mô, mô liên kết, mô cơ, mô thần kinh, máu và bạch huyết. Nhận diện được cấu tạo mô học của các hệ cơ quan trong cơ thể: hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiết niệu, hệ nội tiết, cơ quan tạo huyết…
- Sinh lý
Sinh lý (Physiology) là học phần cơ bản, nghiên cứu về hoạt động chức năng của các tế bào, các cơ quan, hệ cơ quan trong mối liên hệ giữa chúng với nhau và giữa chúng với môi trường sống, đồng thời nghiên cứu về sự điều hòa chức năng để đảm bảo cơ thể tồn tại, phát triển và thích ứng với sự biến đổi của môi trường.
- Sinh lý bệnh – miễn dịch
Học phần Sinh lý bệnh-Miễn dịch là một môn học ghép giữa hai môn Sinh lý bệnh học và Miễn dịch học. Học phần này sẽ cung cấp cho người học kiến thức về sinh lý bệnh đại cương và sinh lý bệnh cơ quan (các khái niệm cơ bản trong sinh bệnh học; các quy luật hoạt động của cơ thể bệnh trong các quá trình bệnh bệnh lý; những thay đổi chức năng của các cơ quan khi bị tổn thương trong các bệnh lý) và miễn dịch học (kiến thức miễn dịch học đại cương, nghiên cứu các khái niệm cơ bản về hệ thống đáp ứng miễn dịch trong cơ thể và ý nghĩa của đáp ứng miễn dịch đối với cơ thể).
- Điều dưỡng cơ bản – Cấp cứu ban đầu
Học phần này nhằm cung cấp cho SV những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bao gồm một số quy trình kỹ thuật điều dưỡng cơ bản như đo dấu hiệu sinh tồn, tiêm, truyền dịch, thay băng rửa vết thương và kỹ thuật sơ, cấp cứu ban đầu người bị nạn.
- Dược lý
Dược lý (Pharmacology) là môn học nghiên cứu về sự tác động giữa thuốc và cơ thể. Phần lý thuyết học phần Dược lý cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản về cơ chế hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ và các cơ chế tác dụ ng của thuốc khi vào cơ thể người. Đồng thời học phần cung cấp các kiến thức về tác dụng, cơ chế tác dụng, áp dụng lâm sàng và tác dụng không mong muốn của từng nhóm thuốc phân theo tác dụng sinh lý – bệnh lý – điều trị học. SV có thể vận dụng các kiến thức cơ bản này trong sử dụng thuốc, theo dõi quá trình sử dụng thuốc đảm bảo an toàn – hợp lý, cũng như giải thích sự ảnh hưởng của thuốc đến kết quả một số xét nghiệm y học thông thường.
- Bệnh học nội khoa – Ngoại khoa
Bệnh học Nội – Ngoại khoa (Medical and Surgical Pathology) là môn học giúp trang bị cho người học các kiến thức về cơ chế gây bệnh, tổn thương cơ bản của bệnh, các phương pháp thăm dò giúp chẩn đoán các bệnh lý nội – ngoại khoa thường gặp trong thực hành lâm sàng y khoa. Tiêu chí chẩn đoán các bệnh được cập nhật, việc chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt được biên soạn giúp cho người học có thể áp dụng tốt trong thực hành. Học phần giới thiệu những nguyên tắc cơ bản điều trị kinh điển và hiện đại. Học phần này cũng giúp người học có cái nhìn tổng thể về các bệnh lý nội – ngoại khoa thường gặp, giải thích được các thay đổi xét nghiệm liên quan trong từng bệnh lý được học.
- Dinh dưỡng, môi trường và sức khỏe
Tình trạng sức khỏe của con người là kết quả của những tương tác phức hợp giữa hệ thống sinh học bên trong con người và toàn bộ hệ thống môi trường bên ngoài.
Môi trường sống của con người bao gồm 5 yếu tố cần thiết: không khí, nước uống, thực phẩm, một vùng khí hậu để sinh sống và một không gian để di chuyển. Các yếu tố trên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi chúng ta hàng ngày.
Môn học này cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản nhất về môi trường sống, dinh dưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm, cách thức tác động của các yếu tố này đến sức khỏe; từ đó SV sẽ tìm ra được biện pháp để cải tạo môi trường sống thuận lợi hơn; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe.
- Tổ chức y tế – Chương trình y tế Quốc gia
Đây là một học phần cung cấp kiến thức căn bản nhất về hệ thống tổ chức mạng lưới y tế, cách lập kế hoạch y tế, các chương trình y tế quốc gia đang triển khai thực hiện; các nội dung cơ bản của Luật khám bệnh, chữa bệnh; các qui định về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; đăng kí thành lập cơ sở dịch vụ xét nghiệm y học. Qua đó vận dụng vào công việc chuyên môn trong việc giáo dục chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân liên quan đến công tác xét nghiệm.
- An toàn sinh học
Môn học này cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn sinh học và hóa học trong phòng xét nghiệm, bao gồm: các khái niệm, nguyên tắc cơ bản về an toàn sinh học; các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, thực hành đối với phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp I, II; các biện pháp khử nhiễm, xử lý chất thải và xử lý sự cố xảy ra trong phòng xét nghiệm; cách nhận biết hóa chất và các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, bảo quản hóa chất nguy hiểm.
- Xét nghiệm cơ bản
Xét nghiệm cơ bản là học phần trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về xét nghiệm như: công tác quản lý một phòng xét nghiệm, cách sử dụng và bảo quản một số dụng cụ và thiết bị trong phòng xét nghiệm, về an toàn sinh học, triển khai an toàn sinh học tại một cơ sở xét nghiệm tùy theo quy mô và cấp độ, thực hành được các nguyên tắc an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm và một số kỹ thuật cơ bản trong xét nghiệm như lấy máu mao mạch, tĩnh mạch….
- Huyết học tế bào
Huyết học tế bào là một học phần cơ sở ngành bắt buộc. Học phần này cung cấp cho SV kiến thức về quá trình tạo máu, điều hòa máu cũng như sự sinh sản, phát triển các dòng tế bào máu bình thường trong tủy xương đồng thời cung cấp các kiến thức đại cương về các dòng tế bào máu ở máu ngoại vi. Giúp SV nhận dạng được hình thái các tế bào máu bất thường và làm được các kỹ thuật xác định số lượng và các chỉ số của các loại tế bào máu ở máu ngoại vi. Ngoài ra, SV còn biết thêm các xét nghiệm huyết học tế bào giúp chẩn đoán một số trường hợp bệnh lý thường gặp. Về mặt thực hành, SV được rèn luyện những kỹ năng cơ bản của một kỹ thuật viên xét nghiệm trong phòng huyết học cũng như trong thực hành một số xét nghiệm về huyết học tế bào.
- Huyết học đông máu – truyền máu
Huyết học đông máu – Truyền máu là một học phần chuyên ngành bắt buộc.
Học phần này cung cấp kiến thức về quá trình cầm máu- đông máu diễn ra trong cơ thể cũng như các xét nghiệm giúp đánh giá các giai đoạn khác nhau của quá trình cầm máu-đông máu. Mô tả nguyên nhân, cơ chế, triệu chứng lâm sàng, sinh học và hướng xử trí một số trường hợp bệnh lý rối loạn đông cầm máu. Về thực hành, thực hiện được các xét nghiệm cơ bản của huyết học đông máu, kiểm soát được chất lượng, phân tích được ý nghĩa và giá trị của các xét nghiệm đông máu.
Truyền máu cung cấp kiến thức về các hệ thống nhóm máu trên bề mặt hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Học phần này giúp chúng ta biết được cách sản xuất, bảo quản và sử dụng các chế phẩm máu để có thể áp dụng trên lâm sàng truyền máu và các biện pháp đảm bảo an toàn truyền máu. Bên cạnh đó học phần cũng cung cấp cho chúng ra các nguyên tắc an toàn truyền máu và các biện pháp đảm bảo an toàn truyền máu cũng như các xét nghiệm khảo sát miễn dịch truyền máu. Từ đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về các tai biến truyền máu và cách xử trí. Học phần còn cung cấp các kiến thức về tuyển chọn, chăm sóc và quản lý người cho máu. Về thực hành, thực hiện được các xét nghiệm cơ bản của huyết học truyền máu, kiểm soát được chất lượng, phân tích được ý nghĩa và giá trị của các xét nghiệm huyết học truyền máu.
- Xét nghiệm huyết học lâm sàng
Huyết học lâm sàng là một học phần kiến thức chuyên ngành bắt buộc. Học phần này cung cấp cho SV kiến thức về đánh giá các chỉ số tế bào máu bình thường và một số bệnh lý huyết học cũng như sự thay đổi hình thái các dòng tế bào máu trong các bệnh lý huyếthọc.
- Hóa sinh cơ bản 1
Học phần hóa sinh 1 giúp tìm hiểu lịch sử phát triển của lĩnh vực hóa sinh học,
nội dung nghiên cứu và vai trò của môn học trong nền y học hiện nay. Sự sống là quá
trình trao đổi chất liên tục cùng với mạng lưới chuyển hóa vật chất vô cùng phức tạp,
bao gồm hàng loạt phản ứng hóa sinh diễn ra và liên quan chặt chẽ với nhau. Học phần
cũng giới thiệu về các chất cơ bản glucid, lipid, protein, acid nucleic, enzym, có vai trò quan trọng trong cấu tạo của cơ thể. Nội dung trọng tâm của học phần là cung cấp
những kiến thức cơ bản về cấu tạo, tính chất và đặc điểm của các chất trong cơ thể sống. Các kiến thức của học phần là cơ sở lý thuyết cho hóa sinh căn bản 2 (sự chuyển hóa và rối loạn các chất trong cơ thể), hình thành nên bệnh lý.
- Hóa sinh cơ bản 2
Học phần Hóa sinh căn bản 2 giúp tìm hiểu quá trình chuyển hóa, trao đổi các chất bình thường trong cơ thể. Học phần cũng giới thiệu chi tiết về chu trình chuyển hóa glucid, lipid, protein,… đóng vai trò quan trọng trong những quá trình điều hòa chuyển hóa của cơ thể. Nội dung trọng tâm của học phần là cung cấp những kiến thức cơ bản về sự chuyển hóa của các chất xảy ra trong cơ thể sống. Các kiến thức của học phần là cơ sở lý thuyết cho sự hiểu biết về các rối loạn chuyển hóa của cơ thể, hình thành nên bệnh lý và ứng dụng của chúng trong xét nghiệm hóa sinh lâm sàng.
- Hoá sinh lâm sàng 1
Hóa sinh lâm sàng 1 là môn học về rối loạn chuyển hóa của các chất trong cơ thể. Đây là một môn học đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo cử nhân xét nghiệm, cung cấp cho SV kiến thức về quá tình chuyển hóa các chất xảy ra ở các mô, cơ quan trong cơ thể, cơ chế bệnh học cùng với sự biến đổi của các chỉ số sinh hóa trong suốt quá trình bệnh lý và các xét nghiệm chẩn đoán, theo dõi tiên lượng bệnh.
- Hoá sinh lâm sàng 2
Học phần Hóa sinh lâm sàng 2 cung cấp cho SV kiến thức cơ bản và chuyển hóa các chất sống, cơ thể sống và các rối loạn chuyển hóa gây ra bệnh tật. Trang bị kỹ năng thực hành để xác định tính chất hóa học của các chất, định tính và định lượng các chất trong máy và nước tiểu, từ đó giúp chẩn đoán chính xác, đưa ra hướng điều trị và theo dõi bệnh tật. Ngoài ra, học phẩn còn cung cấp cho SV chức năng hóa sinh của một số cơ quan trong cơ thể, giữa cơ thể với môi trường. Cung cấp các kiến thức về xét nghiệm hóa sinh lâm sàng và ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm đó trong trường hợp bệnh lý cụ thể.
- Vi sinh vật và ứng dụng
Nội dung học phần bao gồm kiến thức về đại cương vi sinh vật, đặc điểm cấu trúc, sinh lý và tính chất sinh hóa học của vi khuẩn, virus. Đồng thời cung cấp kiến thức về các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật và quy trình pha chế một số hóa chất, môi trường nuôi cấy trong xét nghiệm vi sinh.
- Vi khuẩn học
Cung cấp kiến thức về đặc điểm sinh học, khả năng gây bệnh và các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn học từng loại vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời môn học này còn hướng dẫn SV các quy trình thực hiện kỹ thuật nuôi cấy phân lập và định danh các vi khuẩn gây bệnh, quy trình kỹ thuật kháng sinh đồ.
- Vi sinh lâm sàng
Nội dung học phần bao gồm kiến thức, kỹ năng về các quy trình nuôi cấy, phân lập và chẩn đoán các vi sinh vật gây bệnh từ mẫu bênh phẩm lâm sàng.
- Virus học
Nội dung học phần bao gồm kiến thức đại cương về virus, đặc điểm sinh học, đặc điểm gây bệnh, các phương pháp chẩn đoán vi sinh vật, nguyên tắc phòng và điều trị các virus gây bệnh thường gặp.
- Ký sinh trùng 1
Môn học cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản đại cương về ký sinh trùng y học, nêu rõ mối liên quan giữa ký sinh trùng và con người. Ngoài ra, môn học còn trang bị cho SV những hiểu biết về những loài giun, sán gây bệnh thường gặp.
- Ký sinh trùng 2
Học phần này gồm những nội dung về ký sinh trùng đơn bào. Môn học sẽ trang bị cho SV kiến thức về sinh học, bệnh lý học, chẩn đoán và điều trị các bệnh do amip, trùng roi, ký sinh trùng sốt rét và một số đơn bào gây bệnh phổ biến khác. Bên cạnh đó, giúp cho SV có khả năng tư vấn cho cá nhân và cộng đồng về biện pháp phòng chống bệnh do những ký sinh trùng này gây ra trong cộng đồng.
- Ký sinh trùng 3
Học phần này sẽ trang bị cho người học kiến thức về tiết túc và vi nấm y học. Nội dung bao gồm sinh học, bệnh lý học, xét nghiệm chẩn đoán, nguyên tắc điều trị và dự phòng do những ký sinh trùng này gây ra. Bên cạnh đó, môn học còn giúp SV thực hiện được các kỹ thuật xét nghiệm vi nấm và tiết túc y học, ứng dụng trong xét nghiệm chẩn đoán tại các cơ sở y tế.
- Giải phẫu bệnh 1
– Lý thuyết:
Sau khi học xong học phần SV có thể có kiến thức cơ bản về các kĩ thuật xét nghiệm giải phẩu bệnh và tế bào học cho SV.
– Thực hành:
Sau khi học xong học phần SV có thể lựa chọn được các phương pháp cố định bệnh phẩm, thực hiện được các kĩ thuật mô học và tế bào học thường quy.
- Giải phẫu bệnh 2
– Lý thuyết:
Sau khi học xong học phần SV có thể có kiến thức cơ bản về các kĩ thuật xét nghiệm tế bào học; các biến đổi hình thái học của tế bào trong một số bệnh lý.
– Thực hành:
Sau khi học xong học phần SV có thể thực hiện được các kĩ thuật cơ bản về xét nghiệm tế bào học; nhận diện được các biến đổi hình thái học của tế bào trong một số bệnh lý trên tiêu bản mô bệnh học.
- Sinh học phân tử
– Học phần Sinh học phân tử giúp SV nghiên cứu mối tương tác giữa hệ thống cấu trúc khác nhau trong tế bào, bao gồm mối quan hệ qua lại giữa quá trình tổng hợp DNA, RNA và protein và tìm hiểu cách thức điều hòa mối tương tác này.
– Học phần này còn giúp cho SV nắm được các kỹ thuật sinh học phân tử và những ứng dụng trong của sinh học phân tử trong thực hành xét nghiệm, nghiên cứu và chẩn đoán: kỹ thuật tách chiết DNA và RNA cơ bản, kỹ thuật điện di DNA trên gel Agarose, kỹ thuật PCR và Real Time-PCR, kỹ thuật lai phân tử, kỹ thuật giải trình tự gene.
- Quản lý chất lượng xét nghiệm
Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức về những vấn đề cơ bản và tổng thể trong đảm bảo chất lượng xét nghiệm cũng như các tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế dành cho phòng xét nghiệm. Quản lý chất lượng xét nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót có thể xảy ra trong quá trình xét nghiệm.
- Thực hành bệnh viện XN Vi sinh- Ký sinh trùng- SHPT
Trang bị cho học sinh các kiến thức về xét nghiệm vi sinh, ký sinh trong bối cảnh thực tế của bệnh viện từ khâu tổ chức; phân luồng làm việc; lấy, nhận, chuyển bệnh nhân. Cung cấp một số kỹ thuật hiện đại ứng dụng phát hiện, chẩn đoán và theo dõi điều trị một số bệnh lý trong Y khoa. Giao tiếp và ứng xử thích hợp với bệnh nhân, đồng nghiệp, với lãnh đạo bệnh viện và các khoa phòng ban. Rèn luyện kỹ năng thực hiện các kỹ thuật cơ bản chuyên ngành Vi sinh, Ký sinh trùng, biết giữ an toàn, chống lây nhiễm cho cá nhân và cộng đồng, tạo điều kiện cho học sinh tích lũy kính nghiệm, áp dụng các kiến thức chuyên ngành và y đức đã học vào thực tiễn.
- Thực hành bệnh viện XN Hóa sinh- Miễn dịch
Đây là một trong 4 học phần thực tập kỹ thuật xét nghiệm. Học phần này giúp SV làm quen với môi trường làm việc thực tế tại cơ sở thực hành tuyến tỉnh trở lên. Học phần giúp SV có cơ hội vận dụng các kiến thức đã học về huyết học vào thực tế. Giúp SV trải nghiệm và xử lý các tình huống chuyên môn. Tăng cường khả năng học hỏi và làm việc nhóm đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm, đảm bảo đúng, chuẩn về kỹ năng, kiến thức và độ tin cậy cao, đảm bảo về mặt chất lượng.
- Thực hành bệnh viện XN Huyết học
Đây là một trong 4 học phần thực tập kỹ thuật xét nghiệm. Học phần này giúp SV làm quen với môi trường làm việc thực tế tại cơ sở thực hành tuyến tỉnh trở lên. Học phần giúp SV có cơ hội vận dụng các kiến thức đã học về huyết học vào thực tế. Giúp SV trải nghiệm và xử lý các tình huống chuyên môn. Tăng cường khả năng học hỏi và làm việc nhóm đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm, đảm bảo đúng, chuẩn về kỹ năng, kiến thức và độ tin cậy cao, đảm bảo về mặt chất lượng.
- Thực hành bệnh viện XN Giải phẫu bệnh
– Thực hành:
Sau khi học xong học phần SV có thể:
– Thực hiện được các phương pháp cố định bệnh phẩm, thực hiện thành thạo được các kĩ thuật mô học thường quy.
– Thực hiện được các kĩ thuật cơ bản về xét nghiệm tế bào học; nhận diện được các biến đổi hình thái học của tế bào trong một số bệnh lý trên tiêu bản mô bệnh học.
– Đánh giá được chất lượng tiêu bản tế bào học.
– Phát hiện và xử trí các sai sót thường gặp trong quy trình tế bào học.
- Thực tế cộng đồng
Học phần Thực tế cộng đồng giúp SV có khả năng vận dụng, tổng hợp các lý thuyết đã học liên quan đến lĩnh vực y tế công cộng vào thực tế chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng.
- Quản lý chất lượng xét nghiệm Hóa sinh
Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức về các vấn đề cơ bản kiểm
tra chất lượng xét nghiệm hóa sinh lâm sàng nhằm đảm bảo chất lượng xét nghiệm chính xác, tin cậy, kịp thời, các nguyên nhân cơ bản làm sai lệch kết quả xét nghiệm và cách khắc phục; cách làm giá trị đối chiếu cho một xét nghiệm thông thường; cách làm nội kiểm tra và xử lý được những tình huống kết quả xét nghiệm ra ngoài phạm vi kiểm tra. Trọng tâm của học phần này biểu đồ Levey-Jennings, quy tắc Westgard, hiện tượng lệch, trượt và cộng dồn cusum.
- Quản lý chất lượng xét nghiệm Huyết học
Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức về những tổng thể trong đảm bảo chất lượng xét nghiệm Huyết học cũng như các tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế dành cho phòng xét nghiệm Huyết học. Quản lý chất lượng xét nghiệm Huyết học nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm Huyết học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót có thể xảy ra trong quá trình thực hiện quy trình xét nghiệm Huyết học.
- Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Học phần này sẽ trang bị cho người học kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế. Từ đó, giúp người học có thể áo dụng vào thực tiễn hoạt động xét nghiệm tuân thủ nguyên tắc an toàn sinh học và các quy định phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm và an toàn người bệnh, khách hàng.
- Quản lý chất lượng xét nghiệm Vi sinh- Ký sinh trùng
Cung cấp kiến thức về quản lý chất lượng trong khi tiến hành xét nghiệm vi sinh trong phòng lab. Đồng thời phát hiện những sai sót trong quá trình thực hiện xét nghiệm kịp thời để khắc phục sai sót trước khi báo cáo kết quả cho bệnh nhân.
- Thực tế tốt nghiệp
Thực hành kỹ thuật kiểm tra, giám sát các quy trình sử dụng hóa chất, sinh phẩm chuyên dụng để giám sát quy chế vô khuẩn, thực hiện các xét nghiệm y học (huyết học, hóa sinh, vi sinh, ký sinh trùng, giải phẩu bệnh, sinh học phân tử) trong chẩn đoán lâm sàng. Áp dụng các kiến thức chuyên ngành để đánh giá kết quả xét nghiệm, xử trí các sự cố liên quan.
- Hóa sinh lâm sàng tiên tiến
Học phần Hóa sinh tiên tiến giúp tìm hiểu sâu hơn các quá trình bệnh học cụ thể của các bệnh nguy hiểm như ung thư, COVID-19. Học phần cũng giới thiệu về các kỹ thuật tách lọc, kỹ thuật miễn dịch chẩn đoán hay kỹ thuật phân tử ứng dụng trong chẩn đoán hóa sinh. Nội dung trọng tâm của học phần là cung cấp những kiến thức chuyên sâu về bệnh sinh, dấu ấn sinh học và phương pháp chẩn đoán cụ thể cho từng loại dấu ấn sinh học.
- Vi sinh tiên tiến
Nội dung học phần bao gồm kiến thức và kỹ năng thực hành nâng cao về xét nghiệm vi sinh lâm sàng, bao gồm ứng dụng về kỹ thuật phân tử trong chuẩn đoán định danh và xác định kỹ năng kháng thuốc và đột biến kháng thuốc của vi sinh vật nhằm hỗ trợ điều trị lâm sàng.
Ngoài ra, môn học cung cấp kiến thức và nguyên tắc thiết kế xây dựng phòng xét nghiệm vi sinh, sinh học phân tử tại các cơ sở y tế đảm bảo nguyên tắc xét nghiệm vi sinh đáp ứng các tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học và quản lý chất lượng xét nghiệm y học.