Chào mọi người, mình là Tuấn !
Ngày 23.4 vừa rồi mình có đăng kí thi IELTS và ngày 27.4 nhận được kết quả là 7.5 với điểm thành phần như sau:
Đây là lần đầu mình thi và con số này vượt qua mục tiêu ban đầu mà mình đề ra nên tất nhiên mình rất bất ngờ và hạnh phúc.
Mình từng tìm đọc rất nhiều bài review để biết phương pháp học và kiếm động lực trong những lúc chán nản, mệt mỏi nhất nên hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt là những bạn học tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng về hành trình mà mình đã trải qua, hi vọng nó sẽ giúp ích cho mọi người.
1. Background:
Đầu tiên, mình muốn nói về nền tảng tiếng Anh của mình. Mình sinh ra và lớn lên ở một xã bãi ngang tại Huế, cách Quảng Trị 7km. Tiếng Anh đối với mình là một thứ gì đó rất mơ hồ và không thực tế. Mãi đến năm lớp 9, mình mới gặp cô Châu, người đã truyền cảm hứng và giúp đỡ mình rất nhiều trong việc học tiếng Anh. Nhờ đó, mình có tham gia kì thi học sinh giỏi Tiếng Anh cấp huyện và may mắn được giải Khuyến khích. Tuy nhiên, đến kì thi cấp tỉnh thì rất thê thảm. Năm đó mình cũng được cô động viên tham gia cuộc thi Nói tiếng Anh cấp huyện. Lúc này mình mới biết và bắt đầu nghe nhạc tiếng Anh, chứ đừng nói là phát âm hay kĩ năng nói gì. Lên cấp 3, vì chọn khối A và B nên tiếng Anh bị vứt ở nơi xó xỉn, thế là mình nhận con 4.5 trong kì thi tốt nghiệp. Như vậy, về cơ bản thì tiếng Anh của mình là con số 0 trước khi vào đại học.
2. Bắt đầu lại bằng việc học phát âm:
Lên năm 1, mình mới biết tới phát âm. Tình cờ xem được video của chị Victoria Quỳnh Giang về sự kì diệu của việc phát âm nên mình quyết định chinh phục kĩ năng này. Thời đó xóm trọ mình còn không có Wifi nên đành mua DCOM 3G về xài. Mỗi ngày cứ mở rồi tập đọc. Bắt đầu với nguyên âm, phụ âm rồi thành 1 từ, 1 câu. Khi thấy tạm ổn, mình bắt đầu tìm đọc những đoạn dài hơn. Mới đầu cơ miệng mỏi cực kì nhưng thấy được sự cải thiện nên mình bất chấp, đến nỗi trước khi ngủ vẫn hình dung âm đó đọc ra sao trong đầu dù không phát ra tiếng.
Hồi đó mình có đăng kí học lớp tiếng Anh giao tiếp ở trung tâm 3 tháng và đến quán cafe Vision để luyện nói tiếng Anh. Thực sự phải nói luyện “tập đọc” thì đúng hơn, đoạn này trình độ mình tệ đến nỗi đọc từ “It’s” còn không được, ông Tây cứ nhắc lại miết. Việc đến quán cafe có người bản xứ, nhiều bạn và anh chị có cùng đam mê giúp mình tạo thói quen và duy trì động lực học tiếng Anh hơn.
3. Bắt đầu biết đến IELTS:
Sau khi biết đôi chút về phát âm, mình băn khoăn không biết học IELTS hay TOEIC hay giao tiếp. Không hiểu vì sao đến đầu kì 2 năm 2, mình rủ 2 đứa bạn đăng kí học lớp Pre-IETLS ở một trung tâm. Quả thực hồi đó mình chả biết IELTS là gì cả, mà chỉ biết làm bài tập mà thầy cô giao cho. Và mình nhớ nó khó đến nỗi thầy cho làm 1 đoạn Reading passage 1 (mãi tới sau này mới biết nó từ cuốn CAM 8 test 2) và mình chỉ được 2 hay 3 câu đúng trên 13 câu. Quá nản cộng với bắt đầu đi bệnh viện thực tập nên mình rủ 2 đứa kia nghỉ luôn. Từ đó không đụng đến IELTS nữa.
4. Duy trì việc tiếp xúc với tiếng Anh:
Cuối năm 2 tới năm 3 mình chỉ xem phim và một số kênh youtube chứ không đụng đến sách vở gì. Mình xem rất nhiều phim, đặc biệt là phim hoạt hình. Đến nỗi sắp thi lũ bạn ngồi ôn bài còn mình ngồi xem phim. Việc này khiến tiếng Anh trở nên thân thuộc và nhẹ nhàng hơn nhiều so với sự nhàm chán khi phải ngấu nghiến mấy thứ trong sách vở.
Mới đầu mình thường xem 2 sub song song, bằng cách lên trang thepiratebays tải video HD, lên trang subscence tải sub về là xong. Tới năm 5 mình mới mua tài khoản Netflix và bắt đầu chuỗi ngày xem phim không ngừng nghỉ. Mình coi các “TV shows” như FRIENDS, The Big Bang Theory (mới ngang season 9), Stranger things, Money heist, Sex education,… và ti tỉ “movie” khác miễn mình thấy nó hấp dẫn. Thằng bạn mình có giới thiệu web fmovies.to có mấy movie mới ra rạp, highly recommend. Ngoài ra, Youtube cũng là một nguồn không thể thiếu, mình thường xem những “TV shows” giải trí của Ellen, Jimmy Fallon, James Corden,… và những bài review hay hậu trường của những “movie” mình vừa xem xong.
5. Khoảnh khắc nhận ra sự thay đổi:
Mình có thói quen độc thoại bằng tiếng Anh. Nhiều khi là đọc 1 đoạn trong sách, nhái lại vài từ trong video hay mô tả dòng suy nghĩ bằng tiếng Anh. Vì mình muốn bắt chước giọng (accent) của Anh-Mỹ nên cứ ê a cho đến khi chán thì thôi. Lúc mới học thì mình siêng tới quán cafe để tập nói với các bạn, nhưng sau này thì nhác lắm nên cứ ngồi ở nhà thực hành vậy thôi. Mấy bạn ở khu xóm trọ mình chắc cũng ức chế lắm, hì hì.
Dấu mốc biến chuyển là kì 2 năm 3, lúc đó có 2 sinh viên trao đổi từ nước Anh về bệnh viện Đà Nẵng thực tập, mình đứng ra nói chuyện, trao đổi về học tập và thăm khám, rồi dẫn họ đi ăn. Tự nhiên hồi đó tự tin hẳn ra và mình nhận ra: thì ra mình có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều này càng thôi thúc mình phải luyện nói nhiều hơn nữa. Dần dần mình cải thiện phát âm và độ trôi chảy, giọng mình cũng bắt đầu nghe tự nhiên hơn.
6. Quay lại học IELTS:
Sau khi cảm thấy giao tiếp đã tạm ổn mình trở lại với IELTS vào cuối năm 4. Khó khăn nhất là tìm ra phương pháp học phù hợp với bản thân. Mình tìm đọc nhiều nguồn và càng đọc càng hoang mang vì mỗi người một ý. Hễ cứ đọc 1 bài review là tải 1 mớ tài liệu về, và đi phô ngay và luôn cho nóng. Mà kết quả là chả thèm coi nổi. Mình đã từng nghe chép chính tả vì nhiều người bảo hiệu quả lắm, nhưng khoảng được đâu vài bài thì bỏ vì lâu và chán quá. Mình cũng từng cố gắng đọc báo tiếng Anh vì ai ai cũng nói đọc nhiều sẽ lên trình nhưng cũng được vài ba bài rồi ngừng vì quá chán. Ngữ pháp là thứ khô khăn nhất đối với mình. Mình có phô cuốn Grammar in Use – mức Intermediate và cuốn Ngữ pháp tiếng Anh của Mai Lan Hương. Mình coi được phần mệnh đề quan hệ rồi không quan tâm đến 2 cuốn đó nữa. Mình phô cuốn CAM ra rồi làm phần Reading và Listening. Mới đầu làm nản vô cùng, Reading thì từ vựng nhiều kinh khủng, Listening thì nghe mãi không tập trung nổi. Thế là cứ học rồi nghỉ theo chu kì hình Sin, lúc nào có động lực thì học, chán thì thôi, rảnh thì học, bận thì thôi. Nói chung không có một lịch trình cụ thể nào cả. Mình cứ loay hoay mãi như vậy cho đến khi quyết định học theo phương pháp của anh Ngọc Bách.
A. READING:
– Mình chỉ dùng sách CAM từ cuốn 7 tới 15 + cuốn The Official Guide to IELTS. Mình làm cuốn The Official Guide khoảng 1 tháng trước khi thi vì đi thi thử ở IDP bê y chang trong sách này ra. Cơ mà làm cuốn này điểm mình thất thường cực kì, thấp hơn nhiều so với sách CAM. Cuốn Official Guide mình không recommend lắm. Mình làm 7 test ở cuốn này (có 8 test tất thảy), thì chuyển qua làm lại cuốn CAM 13, cơ mà chỉ kịp làm 3 test thì tới ngày thi. Mình thấy làm CAM bao nhiêu thì đi thi cũng xấp xỉ như vậy. Nên mọi người cứ cày hết sách CAM đi nhé.
– Đối với sách CAM, mình làm test canh giờ 1 tiếng. Làm xong check đáp án và coi lại câu sai. Sau đó tiến hành dịch nguyên từng passage một. Mình check từng từ một, và thường viết nghĩa tiếng Việt ngay trên từ đó. Kết quả là cuốn sách nhìn tơi bời.
Reading Cam 9 – Test 3 – Passage 3
+ Để việc dịch nhanh hơn, mình dùng cuốn dịch sách CAM từ cuốn 7 tới 13 trên mạng, còn cuốn 14, 15 không có nên mình dùng Google dịch. Ngoài ra còn có cuốn Boost vocabulary, cuốn này họ ghi sẵn từ và nghĩa bằng tiếng Anh nên giúp mình tiết kiệm 1 khoảng tra từ.
+ Nếu vẫn chưa hiểu thì mình xài từ điển Lingoes hoặc Google dịch. Mọi người thường khuyên xài từ điển Anh – Anh để hiểu nghĩa tường tận. Nhưng mình thấy bài đọc IELTS quá nhiều từ, và đôi khi những từ không thường xuyên gặp thì mình xài từ điển Anh-Việt cho nhanh.
– Sau khi dịch xong, mình sẽ quay lại những câu hỏi, xem thử sau khi hiểu hết đoạn văn thì làm lại có đúng hết không. Nếu passage nào quá khó, không hiểu nổi mình thường lên youtube gõ chủ đề đó ra. Ví dụ có 1 chủ đề về con kênh gì đó, mình đọc bản dịch vẫn không hiểu. Ấy mà lên youtube nó có hình ảnh động nên hiểu liền luôn.
– Tiếp theo mình thường lập bảng, 1 cột các từ ở câu hỏi, 1 cột các từ ở đoạn văn để xem từ đồng nghĩa như thế nào. Dần dần nếu thấy đã nắm được thì mình không ghi nữa, chỉ ghi mấy từ chưa biết.
– Thời gian làm bài test chỉ 1 tiếng, nhưng thời gian sửa rất lâu. Thường mất 2-3 ngày để hoàn thành nên nhiều khi mình thấy cũng hoang mang, không biết như vậy có hiệu quả không. Nhưng các bạn yên tâm, chất lượng hơn số lượng, cứ học chậm mà chắc.
– Đôi khi mình có lấy ra coi lại nhưng đa phần là nhác nên làm xong thì xong luôn. Nếu được mọi người lôi ra coi lại chắc sẽ nhớ nhiều hơn.
– Khi làm nhiều và có cải thiện, mình thay đổi suy nghĩ từ áp lực khi làm bài Reading chuyển sang hấp dẫn và thú vị vì mỗi lần làm là hiểu thêm 1 chủ đề mới + biết được mấy chỗ họ lừa mình. Cảm giác như đang chơi game. Hehe.
* 1 kinh nghiệm mà mình tự rút ra khi làm bài Reading, đó là hãy đọc câu hỏi trước, và hình dung thứ tự câu hỏi mình cần làm. Ví dụ nếu có 3 dạng câu hỏi, True, False, Not Given; điền từ; và matching heading thì các bạn hãy xem nên làm phần nào trước. Nếu có tên tác giả thì lúc đọc khoanh lại cho dễ theo dõi. Mình thường đọc 1 đoạn và xem đoạn đó có thể trả lời bao nhiêu câu hỏi. Vì vậy mình tiết kiệm khá nhiều thời gian thay vì đọc lại lần 2 đoạn đó.
B. LISTENING:
– Tài liệu mình cũng chỉ xài sách CAM từ cuốn 7 tới 15 + cuốn The Official Guide to IELTS. Mình nghe nhiều người review nên làm Actual test ở trang ieltsonlinetest với Road to IELTS nhưng do gấp quá nên mình không kịp làm.
– Lúc đầu mình mở file audio kèm theo khi tải sách về, sau này mình lên youtube gõ ra luôn cho nhanh. Mình nghe 1 lượt, giai đoạn đầu mình để tốc độ bình thường, không có x1.25 gì cả (Giang hồ cứ đồn nghe x1.25 làm mình cũng hoang mang). Sau đó check đáp án, rồi nghe lại để thấy sai chỗ nào. Sau khi đảm bảo biết chỗ sai thì mình mở transcript ra dò từ mới, sau đó nghe thêm 1 lần có đọc transcript. Tiếp theo, mình nghe không có transcript và những lúc rảnh thường mở lên nghe. Ngoài ra, mình thường nghe mấy nguồn như BBC Learning English, chuyên mục 6 Minute English, News review hay mấy kênh như mình đã nêu ở mục 4 để luôn luôn tiếp xúc với tiếng Anh.
Listening Cam 10 – Test 2 – Section 3,4
– Lúc làm bài trên giấy mình thường gạch keywords nhưng khi đăng kí thi máy tính (khoảng 1 tháng trước thi) thì mình chuyển qua cách làm test mới. Đó là chia màn hình thành 2, 1 bên mở youtube bài nghe (lúc này mình mới để tốc độ x1.25, lúc sửa mình để tốc độ x1.5), 1 bên mở file excel để đánh kết quả. Cách làm này để làm quen với việc không gạch keywords, không có thời gian chờ giữa các phần để tập làm quen với áp lực phòng thi.
– Khi làm hết cuốn The Official Guide, mình quay lại làm cuốn CAM 13, 15. Trước lúc thi 1 ngày mình làm xong test 4 cuốn 15.
* Khi chưa book lịch thi thì mình rảnh lúc nào làm test lúc đó. Tới lúc book lịch, những lúc phải đi lâm sàng buổi sáng nên mình dậy sớm, khoảng 5h, làm 1 test Reading, Listening. Còn nếu nghỉ thì mình làm test khoảng lúc 7-8h (để quen với thời gian thi thật), sau đó ngồi sửa bài.
C. SPEAKING:
– Kĩ năng này mình khá lơ là, một phần vì không biết học gì, một phần vì nghĩ giao tiếp bình thường là đủ rồi. Khi book xong lịch mình mới thật sự học kĩ năng này. Mình có mua cuốn Speaking part 1 của Đặng Trần Tùng, đọc được 2-3 chapter thì chán quá nên thôi. Tới khoảng 15 ngày trước thi mình mới phô bộ đề dự đoán của quý 1 ra học. Mình chỉ kịp chuẩn bị 3-4 bài part 2, còn part 1 chỉ nghĩ ý tưởng nói cái gì cho từng câu hỏi.
– Nếu có thời gian chuẩn bị, mình sẽ học như sau: lấy bộ đề dự đoán ra đọc. Googling các câu hỏi, rồi chọn ra ý mà phù hợp với mình, rồi take note lại. Với part 1 thì 2-3 ý là được. Sau đó ngồi độc thoại. Mình chỉ kịp làm như vậy trước thi 2-3 ngày. hichic
D. WRITING:
* Task 1:
– Writing task 1 là cực hình đối với mình, nó rất khô khan và nhàm chán. Được lời khuyên từ cô My nên mình phô cuốn ZIM năm 2019, học được line graph thì bỏ luôn vì không có ấn tượng gì. Đến khi book lịch (3.2021) mới lôi ra đọc lại line graph.
– Còn khoảng 1 tuần trước thi mình mới học các phần còn lại của task 1: bar chart, pie chart, table, process, map. Mình coi các video của Simon và sau đó lấy sách Ngọc Bách ra đọc bài mẫu. Chủ yếu là cách phân tích biểu đồ. Thật sự lúc này stress kinh khủng và mình nghĩ kĩ năng này toang chắc luôn.
– Tổng cộng trong quá trình học task 1, mình chỉ viết 1 bài và đưa cho cô My sửa lúc năm 5. Mình thấy nếu các bạn có thời gian nên đầu tư học phần này.
* Task 2:
– Tết năm 5 mình có mua 1 khóa Writing của Phan Quỳnh, 2.5 củ. Chưa được 1 tháng thì bả dính phốt, mình tức gì đâu nên không học task 2 lại luôn.
– Tới cuối kì 2 năm 5, sáng 5h mình dậy chép 1 bài hay 1 thứ gì của task 2 đó trên web Simon vào vở. Mình chép cách làm bài task 2, các bài mẫu, từ vựng, các lỗi sai thường gặp, các phần ngữ pháp cần sửa, viết lại câu,… Tuy nhiên, do mình chỉ ghi mà không ôn lại nên thấy chả hiệu quả gì. Duy trì được 2 tháng thì ngừng.
1 bài mẫu mình chép
– Lúc book lịch xong, mình có đặt 1 thử thách là 1 ngày viết 1 thứ gì đó lên Instagram, được khoảng 20 ngày thì cũng dừng.
– Trước khi thi 1 tuần, mình ngồi xem lại các thứ mà mình từng viết lúc 2 tháng đó, chủ yếu là cách làm bài từng dạng. 3 ngày trước khi thi mình mới lôi cuốn Ideas for Writing của Simon ra đọc.
– Sở dĩ task 2 mình chủ quan là do bản thân mình rất thích viết lách (bằng tiếng Việt), và hồi nào viết thì rất tuôn trào. Nên cứ nghĩ vô thi sẽ tự ứng biến. Các bạn có thời gian nên chuẩn bị kĩ phần này hơn.
7. Thời gian book lịch thi:
– Ngày 17.3, sau khi nói chuyện xong với cô Giang và anh Viễn, mình quyết định book lịch ngay hôm sau. Thật sự nếu không thì mình sẽ chần chừ và không biết bao giờ mới thi được vì nghĩ trình của mình chưa đủ. Nếu thi sẽ không được band mong muốn. Đó là lí do mình đăng kí thi VSTEP ra trường cho an toàn. Book lịch giai đoạn này khá căng với mình, vì dính lịch thi Nội lâm sàng, Ngoại Nhi lâm sàng, rồi lịch học online Nhi, lâm sàng Nhi. Tính ra mình chỉ tập trung hoàn toàn được 2 tuần trước khi thi. Nên mình khuyên các bạn nếu được hãy book lịch trước 2 tháng để có thời gian chuẩn bị. Đừng như mình, vào 2 tuần cuối stress kinh khủng, có vài đêm mình không ngủ được.
– Tới khoảng 3 ngày trước thi, mình xác định thi cho biết trình, mất 4 củ 7 chớ không có quan tâm gì nữa. Lúc này mình mới thoải mái. Trước ngày thi, mình ngủ từ 21h15 tới 5h30 (gần 9 tiếng). Sáng dậy thoải mái cực kì và sẵn sàng chiến đấu.
8. Lúc thi:
– Trước khi vào phòng thi check in, mọi người nhớ đi vệ sinh vì check in xong không được ra ngoài. Và hãy coi đây là một buổi test trình độ, đừng áp lực thế này thế kia làm gì. Hãy tự tin vì bản thân đã cố gắng trong suốt thời gian qua, giờ là thời gian để mình tỏa sáng.
– Mình thi Listening trước. Tốc độ mình thấy khá ổn vì trước đó 1 tháng tập nghe x1.25, và lúc sửa bài để x1.5. Tuy nhiên, vì lơ là mà bị miss những chỗ quan trọng nên cảm thấy tệ vô cùng. Part 1 và 4 điền 2 từ, part 2 và 3 là Multiple choices. Mới part 1 mình đã phân vân 2 câu vì không nghe từ khóa, qua part 2 thì hoảng thật sự. Bình thường ở nhà còn take note ở phần MTCs này, tuy nhiên vào thi không kịp làm gì. Part 3 mình làm thấy tạm ổn. Qua part 4 mình bị miss 1 câu nữa. Nên mình nghĩ mọi người cố gắng tập trung, đừng mất tập trung dù là 1 giây.
– Reading: mình làm khá nhanh, xong 3 đoạn thì dư 7 phút để check. Passage 3 mình thấy rất ức chế, chủ đề là “Dunes”, mà mình chả hiểu từ này là gì. Đọc thì thấy nó có thể di chuyển, biến dạng, và tái hợp lại, tạo ra âm thanh này kia. May sao IELTS Reading không cần hiểu hết vẫn làm bài được. Nên những lúc gặp từ khó hay đoạn dài thì mọi người hãy cứ bình tĩnh. Phải nhớ rằng lúc luyện đề còn kinh khủng hơn thế này mà mình đã làm được thì tại sao bây giờ mình không thể? Đừng run và hoang mang mà mất tinh thần nha mọi người.
– Writing: vào task 1 là bar chart, phù, tạm thở phào nhẹ nhõm vì không phải là process hay map. Mình viết 18 phút mới được đoạn detail 1, lúc này mình run thật sự. Thế là 3 phút cuối ngoáy 1 câu để qua task 2. Vì vậy, mình mong mọi người hãy cố sắp xếp thời gian hợp lí hơn, cố gắng check thời gian liên tục để không như mình. Task 2 chủ đề là “Xã hội sẽ nhận được nhiều lợi ích về việc cấm hoàn toàn các quảng cáo vì nó rất vô ích và gây hại”. Mình viết mở bài trước, rồi kết bài. Sau đó viết 2 câu chủ đề 2 đoạn rồi mới bắt đầu viết ý nhỏ. Mình cố brainstorm rồi đánh ra liền, sau đó sắp xếp lại bằng cách copy, paste rất tiện. Cả 2 đoạn mình đều viết theo cấu trúc: Câu chủ đề, luận điểm 1, ví dụ 1, luận điểm 2, ví dụ 2. Mình viết xong thì dư 3 phút, chỉ kịp check task 2 chứ chưa xem kịp task 1.
– Chiều mình thi nói. Vô phòng thi mình chỉ xài Free style. Họ hỏi gì trả lời ngay lập tức theo bản năng chớ không nhớ đã chuẩn bị gì. Không dùng từ khủng, không dùng cấu trúc cao siêu. Mình coi đó như cuộc nói chuyện, rất tự nhiên và thoải mái. Kiểu như tao sẽ kể cho mày những thứ hay ho của tao. Họ hỏi 3 chủ đề part 1 là Study, Furniture và Hurry. Vui nhất là lúc họ hỏi theo mày trong lúc vội không nên làm gì, mình chém là tất nhiên không được tỏ tình. Ổng cười hì hì. Tới part 2 chủ đề là mô tả khoảnh khắc mày nhận được tin vui. Lúc này chả hiểu sao mình nói là tao được 8.5 Speaking, trình độ C1. Ra khỏi phòng mới nhớ là đó là thi VSTEP ra trường mà quên nói mất, khóc 1 dòng sông vì nghĩ ổng kêu mày đang mơ hả, trình mày mà được 8.5 rồi mày láo với tao hả? Mình còn mắc 1 lỗi là đang nói part 2 mình chỉ nhìn xuống tờ giấy cue card chớ không quan tâm ổng luôn. Tới lúc gần xong mới ngước lên nhìn ổng và nhận ra chết rồi, nãy giờ tao quên “eye contact” với mày. Mọi người lưu ý cái này nha. Ổng hỏi thêm 1 câu nữa là mày thường chia sẻ tin vui với ai. Qua part 3 họ hỏi có 1 câu không hiểu, mình phải hỏi lại lần 2 và sau đó tự chém mà không biết có đúng chủ đề hay không.
– Tóm lại, ngày thi IELTS mình coi như ngày đi test trình độ chớ cũng không có căng thẳng gì. Đặc biệt mọi người nhớ ngủ 1 giấc thật sâu rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Hì hì.
Trên đây là tất cả những gì mà mình đã trải qua trong cuộc hành trình chinh phục IETLS. Thật sự ôn thi IELTS không hề dễ dàng và gặp rất nhiều khó khăn. Mình chúc tất cả mọi người ôn thi thật tốt và đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bài viết mang tính chủ quan nên mọi người cân nhắc khi áp dụng.
Cám ơn mọi người đã đọc bài.
Thân mến!
Sinh viên Lê Quang Tuấn, ngành Y khoa lớp YK15A
Bài viết liên quan :
Bế giảng và trao chứng chỉ khóa bồi dưỡng “Phương pháp dạy – học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe” khóa 6
Giám đốc Đại học Đà Nẵng làm việc với Trường Y Dược về định hướng kế hoạch năm 2025
Hiệu trưởng Trường Y Dược – Đại học Đà Nẵng thăm và làm việc tại Đại học Hiroshima và Tập đoàn Y tế Shouwakai, Nhật Bản
Trường Y Dược – Đại học Đà Nẵng tổ chức họp Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục nhiệm kỳ 2020 – 2025
Thông báo chiêu sinh lớp Phương pháp dạy học lâm sàng cho người giảng dạy thực thành trong đào tạo khối ngành sức khỏe các khoá năm 2024
Lễ ký kết biên bản hợp tác Chương trình “Thực tập điều dưỡng toàn cầu III” giữa Trường Y Dược – Đại học Đà Nẵng và Đại học Otemae, Nhật Bản
Đại diện Trường Y Dược – Đại học Đà Nẵng tham dự và báo cáo hội nghị khoa học tại Trường Đại học Y quốc gia Yaroslavl, Liên bang Nga nhân Lễ Kỷ niệm 80 năm thành lập Trường
Thông báo thay đổi hình thức thi và thời gian thi kết thúc 04 học phần của lớp DD22
Thông báo về việc nghỉ tết Dương lịch 2025 và tết Nguyên đán Ất Tỵ đối với sinh viên Trường Y Dược – Đại học Đà Nẵng
Hội nghị Viên chức, Người lao động Trường Y Dược năm học 2024 – 2025